Home » ki luc
Cây đèn 'vùng biển chết'
Nếu tính đúng tuổi của cây đèn biển Kê Gà, tỉnh Bình Thuận, thì nay đã
lên “lão” - 112 năm. Ấy là chiểu theo tấm đá hoa cương khắc năm 1899 chứ
thật ra ngọn hải đăng này đã được khánh thành trước đó một năm.
Khi
đưa tôi vượt qua eo biển sóng để lên đảo đá Kê Gà, anh Huy Khánh, Giám
đốc Công ty Bảo đảm Hàng hải khoe rằng, đây là cây đèn biển vào loại cổ
nhất, cao nhất và đẹp nhất nước.
Cổ
nhất ắt khỏi nói rồi; còn cao nhất, 65m tính từ mặt biển tới tâm đèn,
hẳn cũng chưa có gì là ghê; nhưng nói đẹp nhất thì anh khẳng định, đây
là tháp đèn có một không hai, được xây bằng đá hoa cương, mà mỗi viên đá
đều có một bản vẽ kỹ thuật riêng. Công việc thiết kế kỹ đến mức, hàng
trăm tảng đá lớn nhỏ khác nhau được kiến trúc sư người Pháp, Snavat mang
từ Pa-ri sang, cứ theo bản vẽ mà chồng cao dần
lên khít khìn khịt, theo hình bát giác. Nhìn xa ngỡ thân tháp hình trụ,
càng lên cao càng nhỏ, được lắp ghép cao tới 41,5m và để gắn kết giữa
các phiến đá bằng chất liệu gì đến hiện giờ vẫn còn là điều bí ẩn.
Khi
bước lên cầu thang xoáy trong lòng tháp đèn, anh Khánh còn dặn tôi nhớ
đến bậc thứ 183 hãy chụp ảnh xuống thì mới thấy cái độ xoáy chóng mặt
của chiều cao và tất nhiên anh còn nói cho hay rằng, chắc chắn bức ảnh
ấy sẽ đẹp mê hồn vì sự sống động của nét bay bổng trong một không gian
hẹp. Theo lời anh, đến đúng bậc 183, tôi ngẩn
người nhìn xuống và nhận ra rằng, ông giám đốc này thật gắn bó với nơi
đây và rất yêu công việc của mình. Lẽ dĩ nhiên, tôi thở dốc mặc dù đã
phải dừng chân ở hai chiếu nghỉ, anh Huy Khánh cũng vã mồ hôi, chỉ có
anh Nguyễn Văn Sáu, đội trưởng ở đây mới còn sức nhoẻn cười. Nhìn khuôn
mặt khắc khổ của anh Sáu mà tôi cảm phục, bởi tính ra anh đã xa quê Bình
Định và theo đuổi công việc này, nay đây mai đó, đã tròn 30 năm. Vậy
đó, tôi nghe kể hằng ngày, anh cũng như mọi nhân viên của trạm, phải lên, xuống tháp 4 lần để làm việc. Không chóng mặt mới lạ.
Cùng
nhau đứng trên tầng cao nhất để kiểm tra đèn biển, anh Sáu báo cáo luôn
công việc trong cả một mùa đèn bị sét đánh với giám đốc của mình. Câu
chuyện mọi người đã phải chạy trốn để tránh sét trong đêm mưa dông như
thế nào, mới hay những người gác đèn biển ở đây mùa nào “thức nấy” đều
ngay ngáy lo toan đến tính mạng. Ăn cùng sét, ngủ cùng sét và uống cùng
sét. Ấy là mùa mưa. Nhưng ngược lại đến mùa khô, lại kiệt nước mưa cùng
với cái nắng cháy đến bong da cùng biển mặn. Riêng vào mùa bão, đội
trưởng Sáu kể, cứ đúng giờ, mưa mặc mưa, gió mặc gió, anh em vẫn phải
trầm mình trong bão tố để bật sáng ngọn đèn cho biển cả. Mắt biển mà. Đã
trăm năm không ngủ. Tất cả hướng ra biển khơi. Những chớp sáng loé lên
xuyên màn đêm và mây mù, chiếu xa tới 40km, trở thành những tín hiệu
trong lành của con người. Gương mặt khắc khổ, dạn dĩ của anh Sáu luôn
luôn đỏ au vì hơi biển. Đôi mắt anh không bao giờ tỏ ra mỏi mệt trong
những đêm thức cùng biển cả.
Lúc
này, trong luồng gió cuồn cuộn từ biển thổi lồng lộng, những ngọn sóng
vỗ ào ạt liên hồi vào đảo đá, tôi bỗng nghe thấy từ đâu đó tiếng còi tàu
rúc lên như một lời chào, như một lời tri ân hẹn hò, tìm bạn. Khoảng
gần một giờ đồng hồ kiểm tra và trao đổi công việc, anh Huy Khánh còn
cho xác định lại những thông số kỹ thuật chuẩn của ngọn đèn, để lập một
biểu đồ đưa lên website. Tôi bấm vội vài kiểu ảnh
rồi hẹn mail cho anh kịp đưa vào bản tin của website. Nhưng đột nhiên
tôi quay lại hỏi anh Sáu:
- Vì sao phải dựng cây đèn biển ở đây hả anh?
Không cần nghĩ ngợi anh chỉ tay cho tôi nhìn về phía biển rồi nói:
-
Nếu có ống nhòm, anh có thể nhìn thấy một thùng phao cách đèn biển này
khoảng 4 dặm. Ở đó chúng tôi đánh dấu một “vùng biển chết”. Trên phao
cũng có một ngọn đèn thắp sáng suốt ngày đêm.
- Vùng biển chết?!
Tôi
chợt thốt lên vì ngạc nhiên thì anh Huy Khánh cho hay, đó là nơi có
sóng xoáy ngầm rất lớn. Nhìn bề mặt biển phẳng lặng chỉ có người đi biển
có kinh nghiệm mới nhận biết được để tránh nguy hiểm. Nhưng thường
trong những lúc thời tiết xấu, tàu thuyền qua lại không thể phát hiện
nếu không căn cứ toạ độ của cây đèn biển Kê Gà luôn luôn phát sáng trong
đêm tối. Từ xưa tới nay hàng trăm vụ đắm tàu thuyền đã xảy ra tại vùng
biển chết này. Những cuộc khảo sát cùng với những thống kê hàng hải
trong hàng trăm năm qua mới thấy việc dựng ngọn hải đăng tại mũi Kê Gà
này là quan trọng biết chừng nào. Trong đêm, căn cứ vào toạ độ ngọn đèn,
các tàu thuyền xác định được mình đang ở vị trí nào, phải đi về hướng
nào để tránh nguy hiểm, tránh vùng biển chết và đá ngầm.
Tháng
tám, mưa bất chợt, sóng biển động vì vẫn còn bị ảnh hưởng một cơn bão
xa. Cả ba chúng tôi vội vàng đi xuống vì anh Sáu đã hoàn thành tất cả
những công việc trong ca trực của mình. Lấp ló phía xa, những tia nắng
nhỏ nhoi khuất dần sau đám mây dày đặc. Cả hai giục tôi xuống nhanh bởi
nếu không chỉ trong khoảng khắc nào đó những tia sét lại xối xả bắn tỉa
vào cột thu lôi trên đỉnh tháp. Khi đó chúng tôi không ra tro thì cũng
bị tiếng sét dữ tợn quật ngã trên sàn như những con cá trên biển vậy.
Xuống dưới chân tháp chúng tôi mới thở phào nhẹ người, thấy tôi vẫn còn thở gấp, đội trưởng Sáu cười và nói an ủi:
- Nhà báo thế còn khỏe đó. Chúng tôi phải lên xuống hàng ngày còn thấy mệt nữa là.
Tôi
cố gắng nhếch mép cười để xoá tan đi sự căng thẳng. Anh đội trưởng vừa
mở cửa tháp định đi ra thì một làn mưa xối thẳng vào rát mặt. Lát sau,
cả ba chúng tôi cùng quay ra ngôi miếu phía sau tháp để thắp hương cho
những người đã ngã xuống vì ngọn tháp này. Theo như anh Sáu kể thì đây
là ngôi miếu thờ hơn 80 người đã bị tai nạn trong hai năm xây dựng tháp
từ tháng 2-1897 đến cuối năm 1898. Theo thông lệ cứ vào ngày rằm hoặc
đầu tháng là anh em trong trạm đến thắp hương cho những người quá cố.
Vậy mà đã hơn 110 năm, những con người đã ngã xuống để thắp ngọn đèn
biển chiếu sáng hàng đêm để cảnh báo và cứu sống con người. Họ đã chết
đi cho những người sống mãi trên biển khơi này. Giờ đây anh Sáu cùng
đồng đội tiếp sức sống cho mặt biển. Đó là những cái tên Huỳnh Kim
Trung, Đậu Văn Côi, Lương Hữu Phúc, Nguyễn Thanh Chương và Đinh Quang
Tám, những người đã gắn bó với nhau cả chục năm qua trên đảo đèn.
Tác giả (giữa) chụp ảnh kỷ niệm cùng đội đèn biển Kê Gà
Qua
ngọ. Trời ngớt mưa, mây vẫn còn u ám. Nhìn hàng cây sứ già cỗi, dễ cũng
đến trăm năm tồn tại xanh tốt cùng gió biển, lòng tôi thấy nôn nao vì
sự tồn tại bền bỉ của cuộc sống với thời gian. Anh Sáu khoát tay chỉ về
phía hàng cây là một sân bóng chuyền rồi kể rằng, ở cạnh đó anh em trong
trạm sẽ đào và xây một ao nuôi cá nước ngọt. Thật là một ý nghĩ lãng
mạn. Mà không phải là ý nghĩ nữa. Họ đã làm và đang kè lại và mong trời
mưa tràn đầy cái ao nhỏ bé trên cái đảo đá cô quạnh này. Đây đó là một
chậu cây tạo dáng con ngựa, tạo dáng con rồng... Tất cả đều toát lên
những giấc mơ bay cao trong hòn đảo không có người, trên toạ độ của vùng biển chết này.
Mới
đây, theo như anh Huy Khánh kể lại, gần 100 thành viên của Vina Game đã
tổ chức một cuộc thi bơi từ đất liền ra đảo Kê Gà để đáp lại sự thách
thức của biển cả và để chia sẻ với cuộc sống quanh năm khó khăn của
những người gác đèn biển. Đó là những bạn trẻ đến từ Mỹ, Hàn Quốc,
Philippines, Trung Quốc cùng với các thành viên Việt Nam bơi vượt sóng
biển hàng trăm mét để được đến bên chân đèn biển. Thật là một trò chơi
gay go và hấp dẫn biết bao. Nhắc lại cuộc đua thú vị này, anh Sáu xởi
lởi nói:
- Họ thật lạc quan khi vui chơi bên toạ độ này. Họ cùng với chúng tôi thách thức với biển cả. Thật đã quá ! Ha !
Đúng
vậy để đến với ngọn đèn hơn trăm năm toả rạng, các bạn trẻ tràn qua cồn
cát trắng mịn của Bãi Môn, để vượt biển. Anh Sáu hào hứng nhắc lại câu
chuyện rồi nắm tay tôi dặn dò:
-
Vậy nhé! Hẹn gặp lại một ngày nào đó trở lại với chúng tôi ở cái toạ độ
biển chết này. Và xin nhớ, nơi đây có một con mắt biển trăm năm, toả
sáng xuyên hai thế kỷ...
Tôi chia tay mọi người, rồi vội ghi lại địa chỉ chi tiết của Trạm hải đăng Kê Gà: xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam,
tỉnh Bình Thuận. Nét chữ tôi run rẩy, bởi trong lòng xốn xang với con
mắt biển, và mong có một ngày sẽ quay về với đảo đèn ngập tràn sóng gió
này.
Đăng bởi : Vui Chơi Bình Thuận -thông tin
www.vuichoibinh thuan.blogspot.com là chuyên trang du lịch-vui chơi- khám phá bình thuận
tham gia cùng: :: Thank you for visiting ! ::
BÀI VIẾT MỚI NHẤT:
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
1 nhận xét: