Home » lagi
Khu mộ Thầy-Thím: Nơi gởi gắm những ân tình
Tọa lạc giữa khu rừng Bàu Cái nằm trên địa phận thôn Tam Tân- xã Tân
Tiến, Dinh Thầy Thím uy nghiêm trở thành điểm nhấn giữa cái làng quê yên
tĩnh trong mùa tảo mộ mồng năm tháng giêng và dịp lễ Tế thu rằm tháng
chín âm lịch hàng năm. Ngoài khu trung tâm với các công trình chính của
Dinh, thì khu mộ Thầy cũng là điểm đến của du khách để thể hiện lòng
thành đối với hai vị “Chí đức tiên sinh, Chí đức nương nương”được “tôn
thần” cách đây hơn 100 năm.
Vùa đúng 13 năm được Bộ VH - TT công nhận là Di tích lịch sử văn hóa
cấp Quốc gia, đến nay Dinh Thầy Thím ở thị xã La Gi được du khách gần xa
biết đến không chỉ là nơi để mọi người dân khi đến đây khấn ước nguyện
cầu và mong mọi điều tốt lành đến với bản thân, gia đình và cộng đồng
xã hội, mà cũng là để tìm hiểu về sự tích Thầy – Thím , được coi là một
truyền thuyết dân gian lưu truyền qua nhiều thế hệ, một di sản văn hóa
có giá trị và nổi tiếng ở thị xã La Gi, phản ánh nổi khát khao chính
đáng của nhân dân lao động về một xã hội công bằng và hạnh phúc. Từ sự
tích đậm đà tính nhân bản đã góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý và
nhân cách sống cho các thế hệ đương thời, luôn hướng đến điều thiện. Đến
với Dinh Thầy Thím, du khách còn đến với mùa lễ hội hàng năm với nhiều
hoạt động tưởng nhớ về công đức của Thầy Thím đối với những người dân
nghèo, đồng thời thông qua lễ hội, mọi người cùng tìm về những trò chơi
dân gian, cội nguồn văn hóa để cảm thấy tự hào hơn khi hồn dân tộc vẫn
còn được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Cách Dinh khoảng 3 km về phía Tây, cách công trình thủy lợi hồ Núi Đất 1
km về hướng Đông bắc, khu mộ Thầy Thím nằm giữa khu rừng Bàu Thông cũng
thuộc địa bàn xã Tân Tiến, được chia tách từ xã Tân Hải những năm trước
đây. Mặc dù chỉ cách Thị xã khoảng 12 km, nhưng nơi đây không mang cái
náo nhiệt của thị thành mà mọi hoạt động dường như lắng đọng trong một
làng quê yên ả.
Có nhiều hướng đi vào khu mộ Thầy, nếu từ chợ Tân Tiến, du khách có thể
theo con đường đất đỏ để vào viếng mộ. Những năm trước đây đến mùa lễ
Tế thu, xe bò là phương tiện duy nhất có thể đưa du khách đến nơi này.
Khi thì dưới cái nắng chói chang tấp nập người, xe - bụi đỏ tung mù
trời; lúc thì cọc cạch trên con đường lầy lội. Vất vả lắm mới vào được
mộ Thầy, nhưng với tấm lòng thành kính, mộ Thầy Thím luôn được sưởi ấm
bằng những nén nhang thơm của người dân trong thị xã và khách thập
phương. Hôm nay thì đã khác xưa nhiều. Cũng là đường đất đỏ, nhưng du
khách có thể đi lại bằng phương tiện xe máy hoặc ô tô. Cảm giác sảng
khoái lại lùa về cùng những cơn gió nhẹ, tận hưởng khí trời để mặc sức
chiêm ngưỡng thiên nhiên thật gần gũi với những khu rừng tán cây mát
rượi, xa xa đồi núi xanh thẳm hòa cùng mây trời trong vắt; mùi thơm
rơm rạ của những ruộng lúa vừa mới gặt xong, hòa quyện với ruộng mạ một
màu xanh mơn mỡn tràn đầy sức sống. Đâu đó những ao nước trong veo dẫn
nước về tưới mát ruộng đồng; đàn vịt thỏa sức rỉa những hạt lúa vàng còn
sót lại trong những gốc rạ vừa được thu hoạch.
Trên đường đến Mộ Thầy, du khách đừng quên ghé qua Hồ Núi Đất. Đứng
trên triền đê dài 800 mét, mặt hồ phẳng lặng, dưới cái nắng mùa thu,
từng đám mây lững lờ trôi soi mình trên dòng nước trong xanh. Xa xa
thấp thoáng cây trái bạt ngàn – thành quả chăm chút, vun trồng của những
người nông dân tay lấm, chân bùn quanh năm gắn bó với ruộng đồng, nương
rẩy.
Vượt đoạn đường dài dưới cái nắng ban trưa, vào đến khu vực mộ Thầy,
chung quanh những cây dầu cổ thụ chen lẫn những tán sao, xà cừ, tạo cho
du khách cái cảm giác như đang đi giữa rừng với tiếng nhạc lao xao của
lá hòa với âm thanh vi vu của gió. Từ cổng đi vào trên nền gạch đỏ đến
Điện thờ dựng trước mộ Thầy. Diện tích không rộng, nhưng được trưng
bày trang nghiêm. Được xây dựng từ năm 1996, hàng ngày mà nhất là vào
dịp tảo mộ và lễ Tế thu khói hương nghi ngút, tiếng chuông trầm mặc luôn
ngân vang, đưa con người về với thế giới tâm linh, tin tưởng vào đức độ
của Thầy Thím luôn độ trì, ban phước cho dân lành. Phía sau điện thờ là
khu mộ, bốn nấm mộ được đắp bằng cát trắng mịn, vút cao thành hai hàng
được bao bọc bởi một bức tường thành bằng đá có chu vi 76,5 mét được xây
dựng từ năm 1988 từ sự đóng góp của những người đến cúng tại Dinh Thầy.
Theo truyền thuyết thì vào một ngày mùa thu, khu rừng bỗng trở nên im
ắng khác thường, Cả đàn voi đang đi dừng lại, những con chim rầu rỉ
không hót, muôn thú rừng lặng lẽ chịu tang. Tin Thầy Thím đã thác, dân
làng Tam Tân ai cũng ngậm ngùi thương xót. Họ vào đến nơi thì đã thấy
đôi Bạch - Hắc hổ nằm phủ phục bên hai ngôi mộ bằng cát trắng phau do
thú rừng cào cát vun đắp nên. Dân làng đem Thầy – Thím về mai táng tại
nơi đây. Sau khi Thầy Thím qua đời cứ đến mùng 5 tháng giêng âm lịch,
người ta lại thấy có đôi Bạch – Hắc Hổ từ trong rừng sâu về canh giữ và
tảo mộ. Khi đôi Bạch- Hắc hổ qua đời, người ta đã an táng chúng bên
cạnh ngôi mộ Thầy Thím để tưởng nhớ những con vật tận hiếu, tận trung
với người, vốn được coi là vệ sĩ, đệ tử của Thầy Thím . Đến ngày tảo mộ
hàng năm, lớp cát trắng trên mộ Thầy Thím và hai đệ tử lại được khách
đến cúng lấy ra để thay cát mới và đắp lại mộ, cứ thế bất cứ lúc nào du
khách cũng có thể nhìn thấy bốn nấm mộ trắng xóa, mịn màng ngày ngày
được chăm sóc, giữ gìn chu đáo từ công việc thầm lặng của những người
trực mộ.
Vốn gắn liền với tình cảm, niềm tin và tín ngưỡng lâu đời của nhân dân
và du khách gần xa, nên mỗi khi đến thăm Dinh, du khách không thể quên
viếng mộ Thầy Thím, việc làm đó còn thể hiện truyền thống văn hóa tốt
đẹp biểu trưng cho đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của người dân Việt Nam.
Đến với Dinh và viếng mộ Thầy Thím, ngoài việc tỏ lòng thành kính, khấn
nguyện những điều tốt lành, du khách còn đến để tạ ơn Thầy Thím đã độ
trì khi đạt được nguyện ước. Cho dù xa xôi từ các tỉnh miền Trung hay
miền Tây Nam bộ, nhưng hàng năm nhiều người vẫn thu xếp để đến đây trình
lễ vật - không cầu kỳ, chỉ là cân gạo, quả dừa, đĩa trái cây…nhưng sâu
nặng lòng thành, kính dâng lên Thầy Thím thể hiện đạo nghĩa đối vói
vị “Thành Hoàng” mà trong tâm thức, trong việc làm nhân dân luôn tin
tưởng có sự giúp đở của Thầy Thím .
Về dự Lễ hội văn hóa du lịch Dinh Thầy Thím vào dịp rằm tháng 9 âm lịch
hàng năm, là du khách có dịp về với cội nguồn văn hóa của dân tộc. Mọi
hoạt động của phần lễ đều được diễn ra trang nghiêm bao gồm lễ Nghinh
Thần, Nhập điện an vị, cúng Ngọ, Phát lộc, Thỉnh Sanh, Giổ Tiền Hiền
…tất cả đều chung một tâm niệm nhớ về công đức của tổ tiên và những
người hiện thời tự nhủ : tiếp tục lưu truyền và thực hiện tốt những
việc làm nhân ái đối với cộng đồng xã hội . Tâm – hướng thiện ; Đức –
trong sáng, mọi người đều cho đó là sự thanh thản trong tâm hồn.
Sôi động nhất có lẽ là phần lễ rước Thầy Thím về nhập điện an vị ,
những năm trước đây, hơn 4 giờ sáng ngày 14/9 âm lịch đoàn xe hoa cùng
khách bộ hành dự Lễ Nghinh thần tại Dinh và sau đó tiến về khu vực mộ
để rước Thầy Thím, đoàn lễ diễu hành qua làng Tam Tân trước khi về Nhập
điện an vị đúng 11 giờ cùng ngày tại Dinh thờ. Năm nay, với mục đích xây
dựng lễ hội đậm đà tính dân tộc, giữ gìn tập quán cổ truyền tốt đẹp,
phát huy nét đẹp trong xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh đô
thị nên lễ rước sẽ được tổ chức dưới hình thức đi bộ . Tuy nhiên vẫn
thực hiện trang nghiêm đúng phần nghi lễ thể hiện lòng thành đối với
Thầy Thím.
Dinh Thầy Thím là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, có lối kiến
trúc độc đáo, vừa là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được hình
thành từ công sức và sự thành tâm của con người . Chỉ là một công trình
nhỏ vốn hoang sơ trong khu rừng tĩnh mịch, nhưng khu mộ Thầy Thím là
điểm đến của người dân địa phương và khách thập phương với tấm lòng
ngưỡng mộ, tôn kính đối với vợ chồng người đạo sĩ tài đức vẹn toàn,
giàu lòng nhân ái đã từng cứu giúp nhân dân trong cuộc sống./.
Đăng bởi : Vui Chơi Bình Thuận -thông tin
www.vuichoibinh thuan.blogspot.com là chuyên trang du lịch-vui chơi- khám phá bình thuận
tham gia cùng: :: Thank you for visiting ! ::
BÀI VIẾT MỚI NHẤT:
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Không có nhận xét nào: