Home » thong tin binh thuan
Bài toán phát huy lợi thế cho du lịch Bình Thuận
BT- Nằm trong vùng liên kết phát triển “tam giác du lịch” Bình Thuận - Lâm Đồng - TP.Hồ Chí Minh, Bình Thuận được xem là điểm đến an ninh và thân thiện. Bình Thuận đã thu hút mạnh các dự án đầu tư kinh doanh lưu trú du lịch ở ven biển, nhất là khu vực Hàm Tiến, Mũi Né, Tiến Thành. Tuy nhiên du lịch của tỉnh phát triển chưa mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, chưa khai thác hết tài nguyên, lợi thế. Công tác quản lý quy hoạch bộc lộ một số mặt hạn chế, chưa giải quyết tốt mâu thuẫn giữa các thế mạnh của tỉnh.
Điểm đến không thể bỏ qua
Phan Thiết - Mũi Né đã trở thành thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế, là “thủ đô resort” của Việt Nam, là nơi dừng chân lý tưởng không thể bỏ qua của du khách và đã được nhiều tạp chí có uy tín bình chọn, công nhận là điểm đến lý tưởng như: Trang du lịch Canadian Travellers vừa đưa ra bình chọn 11 bãi biển đẹp nhất châu Á, trong đó có Mũi Né đứng thứ 2 trong top 11 bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á. Skyscanner - một trong những trang web tìm kiếm thông tin du lịch hàng đầu thế giới - cũng bình chọn bãi biển Mũi Né đứng vị trí thứ nhất trong top “10 bãi biển hấp dẫn nhất Đông Nam Á”. Tờ HuffingtonPost khen ngợi Mũi Né là 1 trong 19 điểm đến giúp du khách làm mới cuộc sống tại khu vực Đông Nam Á.
Bình Thuận nhanh chóng trở thành khu du lịch trọng điểm của quốc gia với loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển. Số lượng khách sạn nghỉ dưỡng biển (resort) được đầu tư ngày càng nhiều với quy mô, thiết kế kiến trúc đa dạng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 119 resort với 6.921 phòng, đang hoạt động kinh doanh, chiếm gần 50% trên tổng số cơ sở lưu trú du lịch toàn tỉnh, trong đó 48 resort có quy mô từ 3-5 sao; riêng địa bàn thành phố Phan Thiết, loại hình resort chiếm trên 80%. Sức hấp dẫn của du lịch biển Bình Thuận đã chinh phục và thu hút du khách đến Bình Thuận tham quan du lịch, nghỉ dưỡng ngày càng nhiều hơn, quay lại nhiều lần hơn. Năm 2013, tỷ lệ khách nội địa quay trở lại lần thứ 3 trở lên là 21,87%; khách quốc tế đến lần thứ 2 là 30,6%, lần thứ 3 trở lên là 16,6%.
Toàn tỉnh hiện có 402 dự án du lịch (không kể 38 dự án đầu tư dịch vụ du lịch) được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp là 8.197,8 ha và tổng số vốn đăng ký đầu tư là 63.738,2 tỷ đồng; trong đó có 32 dự án đầu tư nước ngoài (không kể 14 dự án đầu tư dịch vụ du lịch), với tổng diện tích đất cấp là 3.100,5 ha và tổng vốn đăng ký là 25.640,8 tỷ đồng. Doanh thu từ du lịch có mức tăng trưởng khá cao, bình quân từ năm 2010 đến nay tăng trưởng 29,22%/năm.
Hạn chế trong phát huy lợi thế
Tuy đạt được một số kết quả, nhưng nhìn chung du lịch của tỉnh phát triển chưa mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, chưa khai thác hết tài nguyên, lợi thế. Nhìn lại công tác quản lý quy hoạch trong lĩnh vực du lịch vẫn còn một số mặt hạn chế, chưa giải quyết tốt mâu thuẫn giữa các thế mạnh của tỉnh. Hoạt động du lịch ở một số khu vực đã được quy hoạch chậm phát triển. Việc khai thác tài nguyên du lịch sinh thái núi, rừng, du lịch vườn và tài nguyên văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi còn yếu. Các loại hình, sản phẩm du lịch của tỉnh chưa thật sự đa dạng; các điểm tham quan hấp dẫn còn ít; du lịch cộng đồng còn nghèo nàn, chưa được định hướng phát triển một cách hợp lý; chưa có khu ẩm thực, giải trí về đêm, điểm biểu diễn nghệ thuật, bảo tàng... để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Liên kết du lịch vùng nhằm phát huy lợi thế du lịch địa phương chưa mang lại hiệu quả cao. Kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né phát triển tự phát không theo quy hoạch dẫn đến sự chênh lệch về chất lượng, giá cả giữa doanh nghiệp lớn và hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, các loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch ở các khu du lịch cộng đồng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường cũng như hoạt động kinh doanh phục vụ khách chưa có tính chuyên nghiệp và chất lượng cao.
Để tiếp tục khai thác và phát huy lợi thế du lịch Bình Thuận một cách có hiệu quả và bền vững, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp: Hoàn thiện quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch lợi thế. Cần khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở khai thác tốt tài nguyên du lịch, phát huy lợi thế của tỉnh. Tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, kiểm soát chặt chẽ môi trường tự nhiên, xã hội đảm bảo du lịch phát triển bền vững. Nâng cao hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến và liên kết phát triển du lịch. Tăng cường công tác phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Nếu thực hiện tốt các giải pháp, chắc chắn du lịch Bình Thuận sẽ phát triển mạnh hơn, thu hút càng nhiều du khách.
Đăng bởi : Vui Chơi Bình Thuận -thông tin
www.vuichoibinh thuan.blogspot.com là chuyên trang du lịch-vui chơi- khám phá bình thuận
tham gia cùng: :: Thank you for visiting ! ::
BÀI VIẾT MỚI NHẤT:
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Không có nhận xét nào: