Lễ hội Ramưwan có những nét riêng biệt, mang đậm tín ngưỡng riêng của
người chăm Hồi giáo, không hề theo “nguyên” bản của người Hồi giáo ở
các nước Ảrập. Do vậy, quan niệm về lễ hội Ramưwan như một truyền thống
văn hóa lâu đời của người Chăm là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển
chung của nền văn hóa Việt Nam “thống nhất trong đa dạng”, như Nghị
quyết Trung ương 5 (khóa 8) đã nêu. Cứ vào dịp giữa tháng 8, về các làng
Chăm ở Phan Hòa, huyện Bắc Bình (xã thuần Chăm Hồi giáo) hoặc các thôn
Cảnh Diễn, Thanh Kiết, Châu Hanh ta gặp một không khí lễ hội Ramưwan
tràn ngập khắp Plây Chăm. Bắt đầu thôn Bình Hòa – xã Phan Hòa cuối cùng
là diễn ra ở Plây Chăm Châu Hanh, nơi có thánh đường do Tổng sư cả Thanh
Tàu làm tổng lễ. Tất cả diễn ra lần lượt vào các ngày thứ sáu trong
suốt 6 tuần ở 6 thánh đường. Lễ hội này còn gọi “Kinh hội xoay vòng”
tiếng Chăm gọi là “Sút Yâng”. Đây là một trong 5 lễ hội có ý nghĩa quan
trọng nhất của chuỗi lễ hội Ramưwan. Lễ hội Sút Yâng có ý nghĩa quan
trọng bởi nó là dịp để đồng bào Chăm Hồi giáo thể hiện lòng tôn kính đối
với các bậc tổ tiên, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa
màng tốt tươi. Lễ hội diễn ra ở thánh đường nào thì tất cả các tu sĩ
trong vùng đều tập trung ở đó. Bà con dòng họ các nơi cũng nhân dịp này
mà thăm viếng, chúc nhau. Sau đợt lễ Sút Yâng, có hai vị tu sĩ được thụ
phong là ông Char được lên chức Khotíp, còn một ông Khotíp khác thì lên
chức Mưm. Chính hai vị mới được tấu chức này sẽ chủ trì tất cả các buổi
lễ cho đến mùa lễ hội Ramưwan.
Đi tảo mộ.
Trong thánh đường là vậy, nhưng khắp các đường làng không khí vui
tươi nhộn nhịp hơn ngày thường. Các bà, các chị, các em gái nhỏ xúng
xính trong những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu. Nhà nhà vui
vẻ tiếp khách từ các làng xóm lân cận đến thăm viếng, buổi tối thứ sáu,
bất kể ở thánh đường nào có lễ hội, đều có một đêm văn nghệ của các trai
thanh gái tú Plây Chăm tự biên tự diễn. Sau mùa lễ hội xoay vòng, nhiều
đôi uyên ương trở thành chồng vợ. Không khí lễ hội ở làng Chăm nhộn
nhịp vui tươi nhưng yên bình và ấm cúng. Với mỗi người chăm Hồi giáo, lễ
hội Ramưwan là một phần máu thịt đã thấm sâu vào trong tiềm thức của
đồng bào.
Không có nhận xét nào: