Home » tanh linh
Kỳ vĩ Thác Bà giữa rừng Núi Ông
Hơn nữa, ngoài những động, thực vật vô cùng phong phú và quý hiếm được
các cán bộ kiểm lâm nơi đây canh giữ nghiêm ngặt, ẩn dưới ngọn núi Ông
cao gần 1.500 mét là dải thác nước mang tên thác Bà kỳ vĩ, đẹp mê hồn
như một dải lụa mềm mại, ẩn hiện giữa bao la rừng núi.
Thác Bà chảy từ trời cao
Từ thị trấn Lạc Tánh (huyện Tánh Linh) chúng tôi chẳng mất nhiều thời
gian để tới rừng núi Ông bởi đường khá dễ đi, lại có biển chỉ dẫn hướng
dẫn rất chi tiết từng khúc cua, ngã rẽ. Ngồi nghỉ ở ngã ba La Dạ, ngay
cửa khu rừng nguyên sinh nổi tiếng với những loài động thực vật quý từng
đi vào sách đỏ thế giới được phát hiện ở đây như vọoc chà vá chân đen,
voi một ngà, vượn má đen hay những loài gỗ quý hiếm như trầm, kỳ nam, kỳ
hương, trắc đỏ, gõ… chúng tôi không khỏi cảm thấy thanh thản vì không
khí yên tĩnh và mát mẻ của đại ngàn nơi này. Theo những người dân địa
phương, rừng núi Ông hiện nay đã được quy hoạch thành Khu bảo tồn thiên
nhiên núi Ông với mục đích gìn giữ tốt hơn những động, thực vật quý này
nhằm tránh khỏi những cuộc săn tìm của những lâm tặc và cũng để các cán
bộ kiểm lâm làm việc dễ dàng hơn. Theo đó, hầu hết các cây gỗ lớn nhỏ
trong khu bảo tồn núi Ông này đều được đánh số, đặt tên, treo bảng và
ghi lại rất tỉ mỉ. Thú thực, khi nhìn những cây gỗ trắc đỏ quý hiếm, giá
trị lên đến hàng chục tỷ đồng đang hiên ngang vươn lên bầu trời cao
xanh của đại ngàn huyền bí đón nắng gió, chúng tôi đã không giấu nổi cảm
giác ngỡ ngàng và vui thích. Có lẽ, để những gốc cây có tuổi đời mấy
trăm năm ấy được yên bình, được tồn tại là cả một quá trình đấu tranh
bảo vệ không ngừng nghỉ của cán bộ và người dân nơi đây. Nó có lẽ là thứ
tài sản "Vật thể”, đặc biệt giữa khu bảo tồn rộng hàng ngàn ha này. Tuy
nhiên, ở núi Ông không chỉ có những tài sản "vật thể” như thế mà còn có
những tài sản "phi vật thể”, nhưng cũng thu hút, chiếm được tình cảm
của hàng ngàn người khi đặt chân tới đây. Đó là những bức tranh thiên
nhiên đặc sắc được tạo nên bởi bàn tay diệu kỳ của tạo hóa cũng như sự
chăm sóc, bảo vệ tuyệt vời của con người. Đó là ngọn thác Bà có 3 tầng,
chảy từ đỉnh núi Ông rồi ẩn hiện thấp thoáng đâu đó giữa bạt ngàn cây
xanh trước khi êm đềm thả những dòng nước mát lành, hiền hòa dưới chân
núi với những dòng suối trong vắt, là nơi lý tưởng để con người có thể
thư giãn, đắm mình sau những vội vã, bon chen của cuộc sống mưu sinh.
Hình như, chỉ đến khi hòa mình vào làn nước trong xanh ngằn ngặt nơi
này, chúng tôi mới cảm nhận hết sự quý giá đến vô ngần của thiên nhiên
hoang dã. Dường như, nước ở đây không chỉ đơn giản chảy từ đỉnh núi,
được chắt lọc từ những đợt mưa của thượng ngàn mà nó còn được chắt lọc
qua nhiều tầng lá mục của thời gian, nhiều lớp đá xanh rắn chắc hay vô
vàn những gốc cây, trảng cỏ. Có thể hình dung rằng, để những dòng nước
mát lành chảy xuống đây, qua hơn một ngàn mét độ cao của ngọn núi Ông là
vô vàn những điều huyền diệu khác.
Theo
những người dân địa phương, xung quanh ngọn thác Bà và núi Ông này có
một câu chuyện rất ly kỳ, được lưu truyền từ bao đời nay. Đó chuyện về
một đôi vợ chồng già sinh sống yên bình giữa núi rừng đại ngàn nhưng
người chồng lại có thú vui đánh cờ tướng. Một ngày nọ, ông cùng bạn đánh
cờ dưới chân núi suốt từ sáng tới đêm, rồi lại từ đêm tới sáng trong
vòng 9 ngày liền. Ở nhà bà vợ không biết chồng đi đâu nên cứ ngóng mãi
cho tới khi chết hóa thành dòng nước mát thác Bà, còn ông chồng, sau khi
đánh xong ván cờ quay về thấy vợ chết mà buồn thương, lâm bệnh rồi qua
đời, hóa thân thành ngọn núi Ông cao vòi vọi để mãi mãi ở bên vợ. Ngày
nay, quanh khu vực núi Ông, thác Bà này chủ yếu là đồng bào người Cơho,
người Raglai sinh sống trong những bản làng êm đềm, nằm nép bên sườn núi
với nghề nghiệp chủ yếu là sống dựa vào rừng. Câu chuyện truyền thuyết
đó cũng là do người dân Raglai lưu truyền nhau, từ đời này qua đời khác,
như để nói về sự chung thủy trong đời sống vợ chồng, sự gắn bó mật
thiết giữa con người và thiên nhiên.
Hùng vĩ núi Ông
Tuy nhiên, trong khi hòa mình vào dòng nước mát lành như từ trên đỉnh
trời đổ xuống, giữa tĩnh lặng một không gian hoang sơ như ở một thế giới
thần tiên nào đó, chúng tôi còn được nghe thêm nhiều câu chuyện lịch sử
xung quanh mảnh đất đầy những huyền thoại này. Đó là câu chuyện về
những vách đá dựng đứng có cắm một tham gươm quý của vua Gia Long - vị
vua đầu tiên của triều đình nhà Nguyễn cho tới chuyện con voi quý Bạch
Tượng tuyệt đối trung thành trên đường trốn chạy sự truy đuổi của vua
Quang Trung - Nguyễn Huệ. Thực hư chuyện về con voi trắng và thanh gươm
cắm vào núi đá đó thì còn nhiều điều phải kiểm chứng nhưng có một điều
chắc chắn rằng: Gia Long - Nguyễn Ánh từng có một thời gian sinh sống ở
đây, có thể là lúc chốn chạy quan quân nhà Tây Sơn. Bằng chứng là dưới
ngay chân núi Ông này còn có một cánh đồng tươi tốt, bằng phẳng giữa
điệp trùng rừng núi mang tên "cánh đồng Gia Long” được coi là nơi sản
xuất lúa chính của đồng bào dân tộc suốt bao đời qua. Sau đó vào thời
gian chế độ Ngô Đình Diệm cầm quyền, cánh đồng này đã bị đổi tên thành
"cánh đồng Trần Lệ Xuân” - vợ của Ngô Đình Diệm. Ngày nay, đa phần người
dân trong vùng lại gọi cánh đồng bằng phẳng kỳ lạ giữa hoang sơ đại
ngàn bằng cái tên ban đầu, cánh đồng Gia Long.
Có lẽ một ngày được đắm chìm trong dòng nước mát lành của thác Bà và
những hoang vu nhưng lại rộn ràng âm thanh muôn loài của rừng núi Ông là
đủ để chúng tôi cảm nhận về khung cảnh kỳ vĩ và đẹp đẽ nơi này. Nó như
một thế giới thần tiên ở giữa cuộc sống xô bồ mà tạo hóa đã hào phóng
ban tặng cho con người.
Đăng bởi : Vui Chơi Bình Thuận -thông tin
www.vuichoibinh thuan.blogspot.com là chuyên trang du lịch-vui chơi- khám phá bình thuận
tham gia cùng: :: Thank you for visiting ! ::
BÀI VIẾT MỚI NHẤT:
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Không có nhận xét nào: