Bài 1: Góc nhìn về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Bài 2: Mai này quê mình có điện hạt nhân
Thế nhưng cuối tháng 8-2009, nguồn điện gió đầu tiên của tỉnh này đã lên lưới quốc gia.
Ngày 6-11, hội thảo quốc tế “Phát triển năng lượng gió tại Việt Nam” sẽ diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Văn phòng đại diện dự án năng lượng gió GTZ (Đức) và Bộ Công thương tổ chức trong chương trình hỗ trợ kỹ thuật xây dựng cơ chế phát triển điện gió tại Việt Nam.
Gió ngày xưa
Theo sách Đại Nam thực lục tiền biên, năm 1691, Thống binh Nguyễn Hữu Cảnh nhận chiếu chỉ vào trấn miền biên ải phía nam, lập nên xứ Thuận Thành (Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay). Mấy năm sau khi vào làm Kinh lược sứ Đồng Nai, ngang đây ông vẫn than: “Xứ đâu mà tháng Ba, tháng Tư gió chướng, tháng Chín gió bấc, thổi ồ ạt quanh năm”. Nguyễn Hữu Cảnh mở cõi về phương nam, Nam bộ ngày càng đông đúc nhưng miền duyên hải này vẫn chỉ có nắng và gió.
Đầu thế kỷ 20, khi thi công con đường từ Gia Định ra Phan Rang, Công ty Thầu khoán châu Á đã phải buộc cho tuyến đường lấn sâu vào đất liền mà không tiếp tục bám theo mép biển do sợ nạn cát bay lấp mất đường. Nhưng nhờ sự cố đó, ít lâu sau tài nguyên gió đã được nhắc tới lần đầu tiên trong bản đồ khảo sát vùng vịnh Con Vịt (Le Canard) của người Pháp, tức làng biển Cà Ná, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận hôm nay. Tuy nhiên, dự định lắp những tua-bin phát điện từ sức gió của người Pháp tại đây đã bị ách lại bởi kỹ thuật lúc bấy giờ chưa thể đáp ứng nổi.
Riêng cụm tua-bin và cánh quạt này nặng 85 tấn. Ảnh: THANH NHÃ |
Điện hôm nay
Ngồi trong phòng làm việc của Bí thư Huyện ủy Tuy Phong Ngô Minh Chính, bên ngoài gió hú từng cơn. Ông nói xứ này cái gì cũng nghèo, đất đai cằn khô, chỉ giàu... gió. Gió thổi quanh năm suốt tháng, gió dời những cồn cát ven biển làm cảnh vật biến thiên ngàn đời nay.
Nhưng chưa bao giờ người dân Tuy Phong nghĩ rằng sẽ có ngày những cơn gió ấy thổi ra... tiền. Trong ký ức của họ, chỉ có những chong chóng phát điện dùng để nạp bình ắcquy thắp đèn cho những người dân soi ếch, soi cá trên những cánh đồng nghèo ven biển. Cho đến ngày những cây cột cao gần trăm mét được dựng lên tại xã Bình Thạnh, những cánh quạt có đường kính khổng lồ được lắp, nhiều người ngỡ ngàng.
Ngày 21-12-2007, giấy chứng nhận đầu tư nhà máy Phong Điện 1 được UBND tỉnh Bình Thuận cấp cho Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN). Hai năm sau, ngày 21-8-2009, tua-bin điện gió đầu tiên của dự án đã khởi động an toàn và phát điện. Tháng 9, năm tua-bin đã phát điện, hòa vào lưới điện quốc gia. Những chong chóng khổng lồ ấy đón luồng gió từ biển Đông thổi vào để sinh ra điện và bán lên lưới điện quốc gia thông qua hợp đồng mua bán điện dài hạn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Điện từ các tua-bin này sẽ được đấu nối với một đường dây 110 kV, từ đó phát lên lưới quốc gia qua đường dây 110 kV Phan Rí - Ninh Phước.
Năm cụm tua-bin đầu tiên đã hoàn thành và sản xuất điện vào cuối tháng 8 vừa qua. Ảnh: THANH NHÃ |
Biểu tượng mới của vùng đồi cát
Với 12 dự án điện gió đang khảo sát và triển khai, tỉnh Bình Thuận đang vận động thành lập Hiệp hội Điện gió.
Những cánh đồng gió cát không ngờ lại có ngày trở thành điểm... thu hút đầu tư hấp dẫn. Điều trở ngại với nhà đầu tư là giá thành của hệ thống tua-bin quá cao, do phải sản xuất ở châu Âu, vận chuyển sang lắp đặt. Điều này sẽ được giải quyết trong tương lai gần, bởi cùng với các nhà đầu tư dự án điện gió, các hãng sản xuất thiết bị cũng đã đón đầu thị trường này. Bí thư Huyện ủy Tuy Phong Ngô Minh Chính cho biết: Fuhrlaender đang đầu tư xây dựng dự án nhà máy sản xuất lắp ráp tua-bin điện gió tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong nhằm cung cấp cho các dự án điện gió của Việt Nam và xuất khẩu.
Điện gió là dạng năng lượng tái tạo, sạch, thân thiện với môi trường, khả năng vô tận và ổn định. Các nguồn năng lượng cho nhiệt điện như than đá, dầu mỏ ngày càng trở nên cạn kiệt. Trong khi đó, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, giá thành của điện gió càng ngày càng rẻ hơn.
Những đồi cát ven biển rồi sẽ trở thành cánh đồng điện gió với những hàng cột vươn cao nâng tua-bin đón gió. Rồi đây, ấn tượng của du khách về vùng đất đầy nắng và gió từ Ninh Thuận, Bình Thuận không phải chỉ là những truông cát dài tít tắp, không cỏ cây, đồi hoang và đất cằn. Từ những hàng tua-bin hôm nay, cảnh quan của vùng đất nghèo sẽ thay đổi. Đó là những cánh đồng điện gió chạy dài theo bờ biển như biểu tượng mới của vùng duyên hải, thoát nghèo, hiện đại và no ấm hơn.
Dự án điện gió quy mô đầu tiên
Nhà máy Phong điện 1 là dự án điện gió có quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) làm chủ đầu tư. Vào năm 2011, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động với 80 tua-bin, có tổng công suất là 120 MW. 1.500 ha của dự án chủ yếu được quy hoạch trên vùng đất bạc màu, chỉ có cây bụi và những rẫy dưa còi cọc.
Giai đoạn một gồm 20 tua-bin chiều cao cột 85 m, đường kính cánh quạt 77 m, công suất 1,5 MW, tổng trọng lượng tua-bin là 89,4 tấn, cột tháp là 165 tấn. Toàn bộ thiết bị do Fuhrlaender, hãng chế tạo thiết bị điện gió nổi tiếng thế giới của Đức cung cấp và được Công ty Fuhrlaender Việt Nam lắp đặt. Tổng mức đầu tư giai đoạn một gần 820 tỷ đồng.
Khi cả 20 tổ máy đi vào hoạt động ổn định, sản lượng điện mà nó mang lại vào khoảng 100 triệu kWh/năm. Đây không phải là một con số lớn nhưng lại vô cùng có ý nghĩa, nó mở đầu cho ngành công nghiệp điện gió Việt Nam.
Nguồn năng lượng sạch và vô tận
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng năng lượng gió tốt nhất. Vùng lãnh thổ khai thác được năng lượng gió có tổng diện tích chiếm gần 9% diện tích cả nước.
Theo chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng thế giới, với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với chiều dài bờ biển trên 3.000 km, Việt Nam có tổng tiềm năng điện gió đạt 513.360 MW, gấp 200 lần công suất Nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam vào năm 2020.
Theo bản đồ phân bố các cấp tốc độ gió của khu vực Đông Nam Á, do tổ chức True Wind Solutions LLC (Mỹ), khu vực ven biển từ Bình Định đến Bình Thuận, Tây Nguyên, dãy Trường Sơn phía Bắc Trung bộ, nhiều nơi có tốc độ gió đạt từ 7, 8 và 9 m/giây, có thể phát điện với công suất lớn nối lưới điện quốc gia. Hầu hết vùng ven biển còn lại trên lãnh thổ, một số nơi, vùng núi trong đất liền... tốc độ gió đạt từ 5 đến 6 m/giây, có thể khai thác gió kết hợp diesel để tạo nguồn điện độc lập cung cấp cho hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, để khuyến khích đầu tư về năng lượng gió cần có các chính sách về năng lượng tái tạo, mạng lưới điện, đầu tư... nhằm thu hút vốn cho các trạm điện gió.
|
Không có nhận xét nào: